Hỗ trợ trực tuyến

Hotline tư vấn:

0916.240.749- 0972497801

Tin Tức mới

Tin tức

Cần chủ động bảo vệ lợi ích cơ khí trong nước

( 26-01-2016 - 07:38 AM ) - Lượt xem: 2793

Ông Đào Phan Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Báo Hải quan về những bất cập của ngành cơ khí nói chung, cơ khí trọng điểm nói riêng thời gian qua.

 Ông Đào Phan Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Báo Hải quan về những bất cập của ngành cơ khí nói chung, cơ khí trọng điểm nói riêng thời gian qua.

 

Những bất cập trong chính sách cho ngành cơ khí nói chung, cơ khí trọng điểm nói riêng là gì, thưa ông?

Về cơ khí trọng điểm, theo tôi bất cập lớn nhất là Quyết định 10/2009/QĐ-TTg về cơ chế ưu đãi cho dự án cơ khí trọng điểm hầu như rất ít đi vào thực tế sản xuất kinh doanh, vì Quyết định này khi triển khai đến các bộ, ngành thì mỗi bộ hiểu và thực hiện một cách khác nhau. Vì vậy, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, hiện nay Bộ Công Thương đang tiến hành rà soát, chỉnh sửa lại danh mục các dự án với một số kiến nghị mang tính thực tiễn để Quyết định này đi vào cuộc sống. Có như vậy cơ chế ưu đãi mới kích thích cho ngành cơ khí phát triển được.

Về cơ khí trong nước, chúng tôi đi thăm một số dự án, thấy tỷ trọng tham gia của các DN cơ khí Việt Nam là rất ít. Hàng năm chúng ta thực hiện nhiều dự án lớn lên đến hàng tỷ USD, tôi cho rằng trong quá trình đàm phán, chúng ta có nhiều cách đấu tranh để DN cơ khí trong nước được tham gia vào, qua đó để giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, giải quyết cho sự tích lũy phát triển của ngành cơ khí. Cần làm thế nào bảo vệ được thị trường, xây dựng lực lượng cơ khí bằng cách tạo ra đơn hàng cho DN cơ khí.

Cơ khí Việt Nam tham gia vào các dự án công nghiệp lớn có tỷ trọng thấp có nguyên nhân từ cơ chế chỉ định thầu? Ông có nhận xét gì về điều này?

Tôi lấy một ví dụ cụ thể: Một dự án nhà máy thủy điện lớn bình quân vốn khoảng 200-300 triệu USD, những dự án này phải tách các gói thầu, phần nào Việt Nam không làm được thì NK, phần nào cơ khí Việt Nam đã làm được thì kiến nghị liên doanh để cơ khí trong nước làm. Nhưng do quy định về đấu thầu nên các chủ đầu tư thường ký trọn gói với các DN nước ngoài. Vì thế có ý kiến cho rằng trong gói thầu, một số phần có thể tách ra để chỉ định thầu cho các DN cơ khí trong nước. Nguồn vốn để thực hiện các dự án là do chúng ta đi vay, nên chúng ta có quyền và phải đấu tranh. Đơn cử, hệ thống thủy công của dự án Thủy điện Sơn La, chúng ta làm được và còn làm vượt tiến độ 3 năm, như vậy sao phải đi thuê nước ngoài?

Tôi cũng vừa đi thăm dự án bô xít ở Lâm Đồng, Việt Nam chỉ được tham gia một phần tư vấn giám sát, chế tạo một số băng tải... trong dự án. Như vậy, tỷ trọng cơ khí Việt Nam tham gia những công trình mà chúng ta có thể làm được rất nhiều, thì lại rất ít. Hoặc hiện nay một năm các nhà máy xi măng của Việt Nam phải NK hàng tỷ USD vật tư, chi tiết phụ tùng thay thế từ nước ngoài. Việt Nam có thể tổ chức sản xuất để giải quyết hàng tỷ USD NK mặt hàng này.

 

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần ô tô Xuân Kiên Vinaxuki. Ảnh: Khả Doanh.

 

Các DN đã có những đề xuất gì với Hiệp hội về vấn đề này, thưa ông?

Hiện nay Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam có hơn 200 DN với sở hữu khác nhau: DN Nhà nước, tập đoàn, tổng công ty, DN tư  nhân, FDI...  nên suy nghĩ, nguyện vọng của các DN sẽ xuất phát từ nhiều góc nhìn khác nhau. Nhưng tựu chung lại, các DN mong muốn hệ thống chính sách của Nhà nước sẽ bảo vệ được thị trường cơ khí trong nước. Mỗi năm chúng ta bỏ ra nhiều tỷ USD để NK các máy móc thiết bị và nhiều tỷ USD để xây dựng các dự án, công trình công nghiệp như nhiệt điện, bô xít, cầu đường, cảng... là những công trình có mặt ngành cơ khí. Tôi cho rằng nếu hộ đầu tư thuộc sở hữu các bộ, các địa phương, cần bắt buộc nếu đầu tư các công trình lớn thì DN cơ khí Việt Nam phải được tham gia như thế nào trong thị phần đầu tư ấy.

Về phía DN, tôi cho rằng đã đến lúc các DN Việt Nam phải tự nhận thức đổi mới trước các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và đang ký kết vì nó sẽ thay đổi cả công nghệ, nhân lực, nguồn quản lý... Một DN muốn tham gia chuỗi sản phẩm quốc tế phải đạt được tiêu chuẩn kỹ thuật chất lượng sản phẩm, kể cả tiêu chuẩn quản lý sản xuất. DN cơ khí Việt Nam phải xem xét lại năng lực, phương thức sản xuất kinh doanh. Ngược lại, các chủ đầu tư của địa phương, bộ, ngành có trách nhiệm trong các dự án của mình phải có ý thức chủ động bảo vệ lợi ích của DN cơ khí trong nước ngay từ lúc đàm phán.

Cá nhân ông có đề xuất gì nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành cơ khí?

Trước hết, tôi cho rằng cần phải có hàng rào kỹ thuật để bảo vệ các sản phẩm cơ khí Việt Nam sản xuất trước các sản phẩm NK. Bên cạnh đó, trong một công trình công nghiệp, phần chế tạo các thiết bị phi tiêu chuẩn, các kết cấu thép sau 10 năm đến nay các DN cơ khí Việt Nam có thể làm được, thậm chí hiện nay các DN nước ngoài đang đặt hàng các DN cơ khí Việt Nam để XK đi các công trình trên thế giới. Vì vậy, theo tôi những sản phẩm Việt Nam làm được thì trong quá trình đàm phán chúng ta phải đấu tranh để giữ lấy.

Việc tính thuế đất và các loại thuế khác cho ngành cơ khí như thuế GTGT, thuế Thu nhập DN... không nên đánh đồng với các ngành thương mại mà phải có đặc thù như thế nào để phù hợp cho DN cơ khí đủ sức tồn tại, duy trì đội ngũ cán bộ nhân viên. Nguồn vốn cho cơ khí, chúng ta cần xác định rõ trong khi chúng ta chôn tiền vào bất động sản, thì cơ khí, đặc biệt là cơ khí trọng điểm phải được đầu tư như thế nào.

Sau 10 năm, các dự án cơ khí trọng điểm phải được thay đổi, sắp xếp lại và phải được tổ chức quản lý dự án hiệu quả. Không thể để cho các dự án được duyệt nhưng sản phẩm không chính xác thì rất thiệt hại.

Trân trọng cảm ơn ông!